Ngày 24-9, tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa cho biết bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc sở này, vừa có công văn gửi các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, TP và các trường THPT trực thuộc, thông báo về việc triển khai kế hoạch khảo sát đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh này đến năm 2025.
Thanh Hóa: Gần 1.200 giáo viên tiếng Anh bị “triệu tập” để kiểm tra năng lực - Ảnh 1.
Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa sẽ kiểm tra năng lực trình độ ngoại ngữ của gần 1.200 giáo viên tiếng Anh
Theo công văn, thực hiện Quyết định số 3475/QĐ-UBND ngày 17-9-2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Phòng GD-ĐT các huyện, các trường THPT trên địa bàn tiến hành rà soát, thống kê số lượng giáo viên tiếng Anh của đơn vị mình theo thứ tự; số giáo viên chưa tham gia và số giáo viên đã tham gia bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ.
Theo công văn này, những giáo viên đã tham gia bồi dưỡng, phòng GD-ĐT các huyện, các trường THPT trên địa bàn cần thống kê theo diện; những giáo viên không đạt chuẩn sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng năng lực do Sở GD-ĐT Thanh Hóa tổ chức, những giáo viên tự bồi dưỡng để đạt chuẩn và những giáo viên đạt chuẩn sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ do Sở GD-ĐT tổ chức tính từ 2011 đến nay.
“Sở GD-ĐT Thanh Hóa sẽ triệu tập 1.180 giáo viên tiếng Anh trên địa bàn để tham gia khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Số lượng giáo viên còn lại sẽ tổ chức thi và khảo sát trong năm 2020″- công văn nêu.
Công văn này cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, thống kê và báo cáo đến Sở GD-ĐT chậm nhất vào ngày 25-1-2019.
Trước đó, rất nhiều giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước Quyết định số 3475/ QĐ-UBND ngày 17-9-2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo quyết định này, tất cả giáo viên Tiếng Anh các cấp học đều phải tham gia khảo sát, kiểm tra trình độ năng lực. Sau khảo sát, nếu giáo viên nào chưa đạt chuẩn thì phải bồi dưỡng để đạt chuẩn theo yêu cầu, ai không tham gia coi như không đạt chuẩn và sẽ điều chuyển, bố trí công việc khác, phù hợp với chính sách tinh giản biên chế.
Sau quyết định này, rất nhiều giáo viên cho rằng mình đã đi học các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tại các trường đại học có uy tín và được cấp chứng chỉ đạt chuẩn, thế nhưng vẫn nằm trong diện phải khảo sát và bồi dưỡng lại để đạt chuẩn.
 Tin-ảnh: Thanh Tuấn