MIC – Ngày đầu tiên trở lại sau kì nghỉ dài vì dịch Covid-19, nhiều trường ở Hà Nội phải tách lớp, kết hợp học online. Giáo viên một số trường làm việc gấp đôi “công suất”.
Hôm nay (4/5), học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội quay trở lại trường sau 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều giáo viên làm gấp đôi “công suất” sau dịch covid 19
Toàn thành phố Hà Nội có gần 900 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Các cơ sở này vừa mở cửa đón học sinh đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Cấp Tiểu học và Mầm non sẽ đi học vào ngày 11/5.
Ghi nhận của Phóng Viên chiều 3/5, các nhà trường rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho biết, chiều 3/5, nhà trường tổ chức họp phụ huynh online. “Phần lớn các phụ huynh ủng hộ nhà trường, đồng thời phối hợp công tác chống dịch khi các con đi học”, cô Nhiếp cho biết.
Cũng theo hiệu trưởng này, toàn trường có 41 lớp. Mỗi lớp chia đôi, thành ra có 82 lớp nhỏ.
Mỗi lớp nhỏ sẽ học 3 ngày/tuần. Mỗi ngày, học sinh học 2 ca. Những ngày không đi học, giáo viên sẽ giao bài cho các em tự học vì không thể đủ giáo viên dạy online.
“Bình thường học sinh nghỉ thứ 7 nhưng nay phải học cả cuối tuần mới chia đủ thời gian cho các lớp.
Có những giáo viên chỉ có 17 tiết/tuần nhưng khi tách lớp, giáo viên này phải dạy gấp đôi, thành 34 tiết/tuần”, cô Nhiếp cho hay.
Để chuẩn bị đón học sinh, Trường liên cấp Olympia cũng tổ chức họp phụ huynh trực tuyến, diễn tập, tổng duyệt các quy trình đảm bảo an toàn.
Hiện, nhà trường đã hoàn thành vệ sinh tẩy trùng trường lớp và toàn bộ xe buýt bằng CloraminB.
100% xe buýt được trang bị túi y tế, túi giấy ăn, bình nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế, nhiệt kế điện tử.
Bố trí đặt các bình nước rửa tay khử khuẩn tại cổng trường, hành lang, sảnh, chiếu nghỉ cầu thang, khu vệ sinh, phòng làm việc của giáo viên, nhân viên, nhà ăn.
Bố trí bàn ghế trong lớp học, phòng ăn cách nhau 1m…
Ngoài ra, các kịch bản xử lý tình huống có thể phát sinh được phổ biến đến tất cả cán bộ giáo viên và nhân viên nhà trường.
Ví dụ: khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 từng người, từng bộ phận phải làm gì để hạn chế tối đa sự lây lan đến toàn trường.
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh được trường triển khai mạnh mẽ thông qua trang thông tin chính thức riêng về các hoạt động ứng phó Covid-19.
Bố trí lệch giờ, không bán trú
Vấn đề quan trọng nhất khi tổ chức đi học trở lại là việc giảm sĩ số, dãn cách học sinh trong và ngoài lớp học để bảo đảm an toàn.
Theo đó, nhiều trường tổ chức học một buổi/ngày, không tổ chức bán trú, không tổ chức dịch vụ ăn, uống tại trường và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, 22 trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đều không tổ chức bán trú. Các lớp học chia hai nhóm, bảo đảm giãn cách.
Để giảm mật độ, các trường bố trí học lệch giờ nhau, lớp học sớm nhất vào buổi sáng là 7h30, các lớp còn lại vào học sau đó 30 phút…
Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết, sau khi tổ chức họp phụ huynh online và lấy ý kiến khảo sát với 3 phương án, có 97,1% phụ huynh đồng ý cho học sinh học trực tuyến thêm 1 tuần.
“Chúng tôi sợ dịp nghỉ lễ 30/4, học sinh có thể du lịch và chưa đủ an toàn. Do vậy, sau khi tham khảo văn bản hướng dẫn, cộng với khảo sát ý kiến phụ huynh, chúng tôi tiếp tục cho học sinh học trực tuyến thêm một tuần nữa”, bà Dương cho biết.
Được biết, để đảm bảo các trường thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ký quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn được phân công phụ trách 5 đơn vị.
Ngày 4/5, các đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ kiểm tra tại các trường học ở các quận, huyện, thị xã.
Các đoàn này ngoài kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc giáo viên quản lý dạy học ở các nhà trường khi học sinh đi học trở lại, còn phát hiện kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo: Mỹ Hà